4 lưu ý giúp nâng cao điểm bình quân các môn thi THPT quốc gia

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Lưu ý đối với công tác quản lý của Ban giám hiệu

Từ đầu năm, Ban giám hiệu nhà trường cần tập trung xây dựng kế hoạch ôn thi tổng thể của nhà trường và tổ chức thực hiện.

Khi xây dựng kế hoạch, cần lưu ý: Bám sát các văn bản hướng dẫn chuyên môn của Bộ, Sở GD&ĐT; kế hoạch phù hợp với điều kiện, đặc thù riêng của nhà trường; đảm bảo các quy định về thực hiện chương trình, mốc thời gian cho các giai đoạn ôn tập.

Các yêu cầu về nội dung ôn tập phải phân định rõ giữa những yêu cầu chung và riêng cho từng môn. Chú trọng đến công tác hướng dẫn, tư vấn việc chọn môn thi sao cho phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi học sinh.

Trong quá trình tổ chức ôn tập phải chú trọng đến công tác quản lý nề nếp dạy và học như chính khóa.

Đồng thời, tiến hành khảo sát nguyện vọng chọn môn thi của học sinh và tổ chức chia lớp ôn theo nguyện vọng của học sinh ngoài giờ học chính khóa.

Đưa chỉ tiêu chất lượng thi THPT quốc gia của học sinh thành tiêu chí để đánh giá thi đua, đánh giá năng lực của cán bộ, giáo viên.

Duy trì việc tổ chức thi thử cho học sinh vào cuối các đợt ôn thi, chấm thi và thông báo kết quả để học sinh biết, so sánh, tự đánh giá; giáo viên tìm ra những hạn chế của học sinh trong từng phần kiến thức lấy đó làm căn cứ để điều chỉnh việc ôn tập (nên tổ chức 2-3 lần).

Tổ chức tốt việc giảng dạy, ôn tập, kiểm tra đối với các môn không trong danh mục thi THPT quốc gia như môn: Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Công nghệ, Tin học vì những môn này cũng góp phần quan trọng vào tổng điểm trung bình của lớp 12 để tham gia xét tốt nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, tiến độ chương trình được đảm bảo đầy đủ, không cắt xén; giáo viên và học sinh nghiêm túc thực hiện với động lực nâng điểm cộng trong kết quả xét tốt nghiệp THPT.

Xây dựng kế hoạch chi tiết hỗ trợ đưa và đón học sinh khi tham gia thi tốt nghiệp để các em dồn tâm sức ôn tập, vững tâm bước vào trường thi.

Đặc bi lưu ý, nhà trường cũng không vì thành tích ảo mà đánh giá nhẹ tay về kết quả học tập của lớp 12; kết hợp đồng đều giữa dạy học chính khóa và ôn thi tốt nghiệp để khắc sâu về kiến thức học sinh.

Lưu ý với giáo viên bộ môn

Giáo viên bộ môn có vai trò hết sức quan trọng, quyết định lớn đến chất lượng các môn thi để thực hiện được nhiệm vụ này giáo viên bộ môn phải thực hiện tốt những công việc sau:

Căn cứ vào kế hoạch giảng dạy, kế hoạch ôn thi của nhà trường, tổ chuyên môn, cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT, giáo viên xây dựng riêng cho mình một kế hoạch giảng dạy và ôn tập cụ thể, chi tiết đến từng chủ đề, chuyên đề và sát đối tượng.

Mỗi chuyên đề phải có phần lý thuyết và bài tập. Phần lý thuyết nên hệ thống lại những kiến thức cơ bản, trọng tâm. Phần bài tập nên có phần bài tập mẫu và bài tập tự làm (có gợi ý đáp án). Bài tập nên phân dạng và theo mức độ từ dễ đến khó phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tăng dần các bài tập mở, gần gũi với thực tế đời sống.

Chú trọng đến việc dạy kiến thức cơ bản cho học sinh, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12; quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng; chú ý đến cách trình bày bài đối với các môn tự luận.

Đặc biệt những môn như Lịch sử, Ngữ văn, học sinh phải rèn luyện năng lực nhận xét, đánh giá các sự kiện, năng lực diễn đạt của mình; môn ngoại ngữ phải biết diễn đạt vấn đề bằng ngôn ngữ riêng của mình (học sinh hay mất điểm ở phần này).

Trong quá trình dạy giáo viên cũng phải hướng tới cách dạy học hiểu và vận dụng kiến thức để giúp đỡ các em nắm được bản chất vấn đề.

Trong quá trình giảng dạy và tổ chức ôn tập nên phân nhóm học sinh theo trình độ, giao nhiệm vụ phù hợp với nhóm đó. Sau mỗi chuyên đề cần có các bài kiểm tra ngắn để đánh giá mức độ đạt được của học sinh; từ đó có hướng điều chỉnh hợp lý. Cuối đợt ôn nên có bài kiểm tra tổng hợp nhằm đánh giá được khả năng thực của học sinh.

Lưu ý phân tích cho học sinh cấu trúc đề thi (như năm 2015); hướng dẫn học sinh phương pháp làm bài thi; rèn kỹ năng cách làm nhanh và nhận diện dạng bài tốt để khi gặp các dạng đề có thể xử lý nhanh nhất. Đơn cử như: Câu dễ làm trước, khó làm sau, trắc nghiệm làm hết; chọn câu đúng; loại trừ câu sai... nhiều điểm dành nhiều thời gian; trình bày chi tiết tránh làm tắt mất điểm, câu hỏi phải có câu trả lời).

Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm làm tốt công tác tư vấn cho học sinh chon môn thi, khối thi phù hợp với năng lực, sở trường của cá nhân học sinh. Với những trường hợp chọn quá nhiều môn thi, khối thi giáo viên tư vấn để học sinh tập trung vào một số môn nhất định.

Cốt lõi của việc giảng dạy và ôn thi tốt nghiệp của giáo viên là: Động viên, khuyến khích; sát đối tượng, tổng hợp kiến thức cơ bản và rèn kỹ năng với các dạng đề, đưa ra các tình huống để học sinh tự giải quyết.

Lưu ý với tổ chuyên môn

Trong công tác ôn thi tốt nghiệp của trường, tổ chuyên môn (TCM) không chỉ là diễn đàn trao đổi về chuyên môn mà còn giúp giáo viên tự đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh bất cập trong việc thực thi nhiệm vụ ôn thi tốt nghiệp.

Trên cơ sở cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT kết hợp với kết quả phân tích điểm thi THPT quốc gia năm 2015 của Sở GD&ĐT, TCM xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch ôn tập phù hợp với học sinh trường mình.

TCM phải có kế hoạch dạy riêng cho nhưng học sinh có nguy cơ bị điểm liệt (tăng buổi, ôn luyện kiến thức nền, thậm chí đặt mục tiêu chống điểm liệt). Tăng cường việc trao đổi chuyên môn, rút kinh nghiệm dạy học kể cả việc dạy học phụ đạo, ôn tập.

Lưu ý với giáo viên chủ nhiệm

Giáo viên chủ nhiệm là người định hướng, tư vấn cho học sinh lựa chọn ngành nghề, khối thi, môn thi, cụm thi phù hợp với khả năng của từng em ( không để học sinh lựa chọn môn thi theo phong trào)

Giáo viên chủ nhiệm kết hợp với giáo viên bộ môn, phụ huynh và nhà trường để quản lý việc học tập của học sinh, đặc biệt là quản lý việc tự học của học sinh. Vận động học sinh tham gia đầy đủ các lớp ôn tổ chức tại trường.

Kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để động viên khuyến khích học sinh học tập; nắm bắt kịp thời tâm tư tình cảm của học sinh để có điều chỉnh hợp lý trong việc giáo dục, uốn nắn, thay đổi hạn chế của các em.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top