4 giải pháp tổ chức trải nghiệm sáng tạo hiệu quả

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Giải pháp được đưa ra căn cứ vào sự đổi mới của giáo dục phổ thông hiện nay, nội dung chương trình HĐTNST hiện hành và tình hình thực tế của nhà trường.

Xây dựng kế hoạch

Biện pháp đầu tiên được thầy Trần Mạnh Hưởng đưa ra là xây dựng kế hoạch quản lí chỉ đạo tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Nội dung và cách thực hiện gồm 4 bước:

Bước 1: Nghiên cứu tình hình nhà trường, những mặt thuận lợi, khó khăn, những hoạt động đã triển khai những năm học trước, đánh giá mức độ thành công để làm căn cứ xây dựng kế hoạch.

Phân công nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm lớp, khối trưởng các khối lớp nghiên cứu đặc điểm của từng khối, lớp, xây dựng kế hoạch tổng thể trong năm và kế hoạch cụ thể của từng hoạt động. Thảo luận, đóng góp ý kiến, thống nhất thực hiện kế hoạch đề ra.

Bước 2: Chỉ đạo làm điểm, rút kinh nghiệm (có thể chọn ở mỗi khối một lớp).

Bước 3: Chỉ đạo triển khai đại trà việc thực hiện kế hoạch tổ chức HĐTNST trong toàn trường. Trong quá trình triển khai thực hiện cần chú trọng khâu chỉ đạo, giám sát tổ chức HĐTNST. Kịp thời phát hiện vướng mắc, bất cập để có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ. Đồng thời có phương án điều chỉnh kế hoạch trong những năm tiếp theo.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch. Qua đây giúp nhà quản lí nhìn nhận lại kết quả đạt được theo kế hoạch đã đề ra, xem xét nguyên nhân dẫn đến thành công hoặc tồn tại hạn chế.



Nâng cao nhận thức về hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Với biện pháp nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên về hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường, thầy Trần Mạnh Hưởng nhắc đến việc tổ chức hội thảo, tập huấn về các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Ngành về vị trí, tầm quan trọng của các hoạt động giáo dục trong nhà trường, trong đó có HĐTNST.

Đồng thời, trang bị cho giáo viên kỹ năng tổ chức HĐTNST như: Lập kế hoạch thiết kế hoạt động, lưu ý đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện hoạt động. Hình thức tổ chức có thể thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt tập thể: chào cờ đầu tuần, mít tinh trong các ngày lễ, các ngày kỉ niệm, các hội thi, hội thao, cắm trại, các cuộc giao lưu tập thể, các phong trào thi đua toàn trường... hoặc thông qua các hoạt động đoàn thể và hoạt động chính trị – xã hội; văn hoá - thể thao...

Nhờ các hình thức tổ chức đa dạng, phong phú mà việc giáo dục học sinh được thực hiện một cách tự nhiên, sinh động, nhẹ nhàng, hấp dẫn, không gò bó và khô cứng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý cũng như nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.



Hướng dẫn học sinh tìm hiểu về hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Về cách làm cụ thể của Trường THPT Phong Châu, thầy Trần Mạnh Hưởng chia sẻ: Mỗi năm học có nhiều ngày kỉ niệm, giáo viên gợi ý học sinh, hướng các em xây dựng ý tưởng chuẩn bị cho các hoạt động. Sau khi lên ý tưởng có được sự đồng thuận cao, học sinh phải định hình công việc cần làm, nơi tổ chức, người thực hiện. Cần những trang thiết bị, cơ sở vật chất như thế nào?

Giáo viên dẫn dắt học sinh, phát huy vai trò của cán bộ lớp, làm sao các em vừa là người thu thập, xử lý thông tin, phân tích tình hình và tổ chức lớp để bàn bạc đi đến thống nhất nội dung công việc cần làm…

Tuy nhiên, giáo viên không nên để cho học sinh quá tự do, ngoài khuôn khổ mà cần thường xuyên theo dõi, hướng dẫn để đảm bảo an toàn về mọi mặt: Sức khỏe, tác phong, lời nói, trang phục, đồ dùng, dụng cụ… để phục vụ tốt cho hoạt động

Trong quá trình thực hiện hoạt động, giáo viên cần quan tâm đến tình huống nảy sinh và sự sáng tạo trong cách giải quyết của học sinh; gợi ý để học sinh phát huy phẩm chất năng lực.

Kết thúc công việc, học sinh tự đánh giá lại từ việc xây dựng ý tưởng đến các bước tổ chức thực hiện; đánh giá kết quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm về mọi mặt; những sáng kiến mới nào có thể áp dụng trên lớp học hoặc hoạt động ngoài lớp học tiếp theo.



Kiểm tra, đánh giá các hoạt động trải nghiệm sáng tạo

Lãnh đạo nhà trường thường xuyên phân công chỉ đạo, theo dõi các HĐTNST thông qua vai trò của tổ trưởng, giáo viên chủ nhiệm, tổ chức đoàn thanh niên, đặc biệt thông qua việc tăng cường hoạt động kiểm tra đánh giá giáo viên nhà trường.

Thầy Trần Mạnh Hưởng nhấn mạnh: HĐTNST là hoạt động mới được tổ chức thực hiện trong các nhà trường, vì vậy, công tác kiểm tra đánh giá cần được đổi mới theo hướng coi trọng chức năng phát hiện để điều chỉnh, tư vấn cho giáo viên hơn là chỉ tập trung truy tìm sai sót.

Nhà trường nên kết hợp giữa đánh giá của cá nhân với đánh giá kết quả hoạt động của học sinh để xác định những vấn đề chung cần giải quyết trong tình hình thực hiện các HĐTN. Thay lối kiểm tra hành chính thủ tục, bằng coi trọng kiểm tra hoạt động trực tiếp của giáo viên và học sinh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top