4 giải pháp dạy - học tiếng Anh hiệu quả

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Giáo viên tiếng Anh có vai trò hỗ trợ và truyền lửa cho các em học sinh. Ảnh minh họa/internet


Thứ nhất, không bắt học sinh học tiếng Anh thông qua tiếng Việt, tận dụng tất cả mọi khả năng tạo môi trường tiếng Anh để học sinh tiếp cận ngôn ngữ một cách tự nhiên.

Để học sinh vùng khó không phải dùng tiếng Việt như một thứ ngôn ngữ trung gian nhằm có thể tiếp thu tiếng Anh một cách tốt nhất, giáo viên tiếng Anh cần là những người sử dụng tiếng Anh giỏi trong cuộc sống, trong giao tiếp với người nước ngoài, đặc biệt sử dụng tiếng Anh lớp học có hiệu quả.

Việc này đòi hỏi giáo viên tiếng Anh phải có khả năng điều chỉnh tiếng Anh trên lớp sao cho dễ hiểu, phù hợp với năng lực hiện có của học sinh mà không phải dựa vào việc sử dụng tiếng Việt hoặc tiếng mẹ đẻ của học sinh dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, cần sử dụng tất cả các trang thiết bị nghe nhìn, dụng cụ trực quan có thể để giải thích – hướng dẫn các em. Đây là cách giúp giáo viên tiếng Anh tránh được việc phải chuyển đổi từ một ngôn ngữ thứ hai sang tiếng mẹ đẻ, rồi từ tiếng mẹ sang ngôn ngữ thứ hai, rồi sau đó mới đến tiếng Anh như ngôn ngữ thứ ba.

Học sinh cần được nghe tiếng Anh từ giáo viên và được có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh trên lớp với tất cả sự linh hoạt, tận tâm, sinh động của người giáo viên tiếng Anh.

Thói quen và mức độ sử dụng tiếng Anh trên lớp sẽ tăng dần qua quá trình học. Áp dụng các phương pháp dạy học tích cực (active learning), kết hợp cách dạy hỗ trợ (scaffoding instruction) là những kinh nghiệm mà giáo viên tiếng Anh cần có để có thể dạy tiếng Anh không qua trung gian tiếng Việt.

Thứ hai: Cần chế độ đãi ngộ giáo viên tiếng Anh và chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm (bao gồm cả chuẩn ngôn ngữ).

Để thực hiện được biện pháp thứ nhất thì phải cần đến một đội ngũ giáo viên tiếng Anh giỏi, thông qua tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên.

Và nếu được, cần có một đội ngũ giáo viên tiếng Anh người dân tộc thiểu số hoặc am hiểu văn hóa & ngôn ngữ học sinh dân tộc thiểu số để giảng dạy mà không cần thông qua một ngôn ngữ thứ 2 là tiếng Việt.

Để có được một đội ngũ giáo viên tiếng Anh như thế này cần có sự hỗ trợ tối đa của Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT địa phương sao cho giáo viên tiếng Anh vùng khó có thể yên tâm về kinh tế để đầu tư thật sự cho hiệu quả giảng dạy của họ, để họ có thể truyền ngọn lửa đam mê học ngoại ngữ cho các thế hệ học sinh vùng khó.

Thứ ba: Cần một đội ngũ giáo viên tiếng Anh tâm huyết, truyền được niềm say mê học ngoại ngữ cho học sinh.

Không thể phủ nhận sức học của học sinh nông thôn vẫn thua thiệt so với học sinh nội thành mà nguyên nhân chính là từ thực tế thiếu điều kiện học tập.

Chính vì vậy, vai trò hỗ trợ và truyền lửa của đội ngũ giáo viên tiếng Anh cơ sở thật quan trọng. Có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp kích thích động lực học tập ở học sinh, song căn bản và bền vững vẫn là cách dạy sinh động, hiệu quả, tạo được môi trường tiếng tích cực trên lớp, đây mới là chất xúc tác tốt nhất cho sự say mê học ngoại ngữ ở HS.

Thứ tư: Lãnh đạo ngành giáo dục có nhận thức đúng, cố gắng đầu tư trang bị điều kiện học tập tối thiểu, biên soạn hoặc chọn lựa một bố sách giáo khoa phù hợp hơn với yếu tố nhận thức & tư duy của học sinh vùng khó.

Theo đó, cần đầu tư một phòng học ngoại ngữ có trang thiết bị tối thiểu, có thể dùng cho tất cả các môn học. Với 15 - 20 triệu đồng có thể đầu tư một ti vi có màn hình LCD hoặc LED 40 đến 50 inch kết nối với 1 máy tính bàn/laptop là có thể có ngay một hệ thống đa phương tiện bao gồm hệ thống loa sẵn có từ ti vi, màn hình rõ nét – sinh động không cần giảm ánh sáng khi trình chiếu và giáo viên có thể kết hợp các hiệu ứng – chức năng trình chiếu để tăng tính tương tác cho các hoạt động, tăng tính sinh động cho bài dạy và mang được các tình huống thật vào lớp học kích thích cả tư duy lẫn phát triển kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho học sinh.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top