3 việc cần ưu tiên triển khai để giảng viên phát triển năng lực nghề nghiệp

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Đó là: Xác định yêu cầu về năng lực - phẩm chất đối với giảng viên sư phạm (phác thảo mô hình người giảng viên sư phạm); Tổ chức đánh giá giảng viên theo các tiêu chí đã xác định; Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực bị thiếu hụt ở giảng viên và khuyến khích mỗi giảng viên tự bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp cho bản thân.

Chú trọng công tác bồi dưỡng

Chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm", PGS.TS. Đào Thị Oanh cho biết: Chương trình bồi dưỡng thường rất đa dạng và khác biệt giữa các quốc gia và các cơ sở đào tạo giáo viên, song có một điều dễ thấy là bồi dưỡng giảng viên đã trở nên ngày càng phổ biến.

Kết quả khảo sát trực tuyến trên giảng viên đại học sư phạm cho thấy, phần lớn các câu trả lời (62%) chỉ ra rằng, các cơ sở đào tạo giáo viên ngày nay đều quan tâm, cung cấp cơ hội được đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ của họ.

Các khóa đào tạo được các cơ quan quản lý nhà nước hay cơ sở đào tạo tổ chức thực hiện thì thường miễn phí cho các giảng viên tham dự. Nhu cầu cập nhật kỹ năng, như sử dụng công nghệ thông tin, phương pháp dạy học và giáo dục, ngoại ngữ và kỹ năng quản lý dự án đã khiến các quốc gia suy nghĩ nghiêm túc về các nhu cầu được đào tạo của đội ngũ, đầu tư vào hệ thống mới và khuyến khích làm việc hiệu quả.

Ngoài kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ, kỹ năng quản lý dự án cũng là một nội dung bồi dưỡng quan trọng thậm chí được các quốc gia đưa vào các quy định cứng trong chương trình bồi dưỡng giảng viên.

Trong khi đó, việc đào tạo chuyên ngành và năng lực học thuật trong các chương trình bồi dưỡng là khá hạn chế bởi được xem là trách nhiệm thuộc về cá nhân giảng viên.

Về nguyên tắc, năng lực chuyên môn được phát triển một cách tự nhiên thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và trao đổi với đồng nghiệp. Trên thực tế cũng không nảy sinh nhiều khó khăn với việc đào tạo kỹ năng chuyên môn đặc thù của giảng viên.

Tuy vậy, không phải giảng viên nào cũng nhận thức được nhu cầu hay lợi ích của việc bồi dưỡng, đặc biệt đối với những lĩnh vực không liên quan trực tiếp tới chuyên môn của họ, như quản lý dự án, kỹ năng viết bằng ngôn ngữ học thuật.

Chính sách khuyến khích giảng viên phát triển năng lực

Theo PGS.TS. Đào Thị Oanh, để thúc đẩy hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực giảng viên đại học sư phạm, nhiều nước đã có những chính sách khuyến khích bằng phần thưởng vật chất hoặc được đề bạt thăng tiến như là một tác động tích cực ngắn hạn.

Về dài hạn, đã phát triển một "văn hóa đào tạo" ở những nơi mà sáng kiến là một cơ hội tích cực cho sự phát triển chuyên môn của cá nhân.

Trong rất nhiều trường hợp, các hoạt động bồi dưỡng được tổ chức mang tính tự nguyện. Song nếu thiếu đi sự nhận thức rõ ràng của giảng viên về những nhu cầu đào tạo thực sự thì sẽ dễ dẫn đến thất bại và sự nhìn nhận tiêu cực về hoạt động đào tạo bồi dưỡng. Xem bồi dưỡng như là một điều gì đó làm phí phạm thời gian hơn là sự hỗ trợ để họ phát triển nghề nghiệp.

Khi các hoạt động bồi dưỡng được phát triển trở thành nhu cầu của mọi cá nhân giảng viên, thì các chương trình đào tạo sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn, được đánh giá cao và sẽ tác động hiệu quả.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại
 

Bình luận bằng Facebook

Top