3 bước dạy học nêu vấn đề làm hấp dẫn bài học Lịch sử

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Dạy học nêu vấn đề bao gồm các thành tố: Trình bày nêu vấn đề, tình huống có vấn đề và bài tập nêu vấn đề.

Trình bày nêu vấn đề

Khi trình bày nêu vấn đề, phải đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính Đảng, ngôn ngữ trong sáng..., khơi gợi và quyết định hoạt động tư duy độc lập của học sinh.

Giáo viên đặt học sinh trước sự giải quyết một điều mới, điều chưa biết, đồng thời hướng dẫn học sinh độc lập tìm ra vấn đề đó trên cơ sở phần trình bày của giáo viên và những kiến thức, kĩ năng, kĩ xảo, vốn sống thực tế của các em.

Dẫn dắt học sinh vào tình huống có vấn đề

Tình huống có vấn đề hay tình huống học tập là trạng thái tâm lý xuất hiện khi con người gặp phải tình huống khó khăn giải quyết bằng tri thức đã có, bằng cách thức đã biết không thể được mà đòi hỏi phải lĩnh hội tri thức mới và cách thức hành động mới.

Ví dụ: Khi tìm hiểu bài 3 “Quá trình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc và sự tan rã của hệ thống thuộc địa”, giáo viên có thể dẫn dắt học sinh vào tình huống có vấn đề: Sau chiến tranh thế giới thứ hai tình hình chính trị ở Châu Âu có nhiều sự biến đổi với sự ra đời của hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Còn ở Châu Á, Phi, Mĩ-Latinh có gì biến đổi không? Phong trào giải phóng dân tộc diễn ra như thế nào? Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc tan rã ra sao? Các em cùng tìm hiểu tiết học hôm nay để trả lời cho những nội dung trên.

Có những loại tình huống có vấn đề sau:

Tình huống nghịch lý là tình huống vấn đề xuất hiện đứng trước một sự lựa chọn rất khó khăn giữa hai hay nhiều phương án giải quyết.

Tình huống bác bỏ là tình huống vấn đề đòi hỏi phải bác bỏ một luận điểm kết luôn sai lầm. Để đạt được điều đó người học phải tìm ra được chỗ yếu, chỗ sai, chỗ thiếu chính xác của luận điểm hoặc kết luận đó và chứng minh tính chất sai lầm của chúng.

Tình huống tại sao là tình huống phổ biến trong nghiên cứu khoa học và trong dạy học.

Như vậy, các tình huống trên đòi hỏi người học phải vận dụng kiến thức và kĩ năng vốn có đẻ giải quyết vấn đề đặt ra. Người học phải tìm ra được các mối liên hệ đặc biệt là mối liên hệ nhân quả. Tìm ra được nguyên nhân dẫn đến kết quả đó.

Đưa ra bài tập nêu vấn đề (bài tập nhận thức)

Đây là bài tập mà việc độc lập giải quyết nó sẽ dẫn đến chố tạo ra sự hiểu biết mới bằng phương thức giải quyết mới mà trước đó học sinh chưa biết.Chức năng quan trọng của của bài tập nêu vấn đề là rèn luyện năng lực tích cực, độc lập suy nghĩ trong việc giải quyết vấn đề nhằm phát triển tư duy cho học sinh trong quá trình học tập.

Vì vậy, việc xây dựng và sử dụng bài tập nêu vấn đề trong dạy học phải nhằm vào mục đích: Tăng cường hoạt động nhận thức tích cực, độc lập thông minh sáng tạo của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức; giúp học sinh nắm vững, hiểu sâu sắc, đầy đủ hơn hệ thống kiến thức của môn học, bài học; rèn luyện cho học sinh kỹ năng tư duy, lôgic...bồi dưỡng tư tưởng tình cảm đạo đức nói chung, tinh thần chuyên cần trong lao động học tập, thái độ vượt khó nói riêng.

Vận dụng vào bài học cụ thể

Vận dụng những thành tố trên khi dạy học bài 9 (SGK sử 9)- Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Bước 1: GV chiếu cho học sinh xem 2 đoạn phim tư liệu ngắn: Một là về đất nước Nhật Bản sau chiến tranh; hai là về sự phát triển của đất nước Nhật Bản ngày nay.

GV đặt câu hỏi: Nêu cảm nhận của em về 2 đoạn phim tư liệu trên? Tại sao lại Nhật Bản lại phát triển nhanh như vậy? Từ sự phát triển của Nhật Bản, Việt Nam ta học được bài học gì....

Làm như vậy, GV đã đặt mục đích học tập trước khi học sinh nghiên cứu bài mới - dẫn dắt học sinh vào tình huống có vấn đề và nêu bài tập nhận thức thực tiễn..

Bước 2: Trong giờ học, GV hướng dẫn học sinh tìm hiểu kênh chữ, kênh hình SGK; cung cấp thêm tư liệu phim ảnh, thời sự, báo chí...về Nhật Bản. Từ đó tổ chức cho học sinh giải quyết vấn đề mà ở bước 1 GV đã nêu ra:

GV đề xuất hướng giải quyết các nội dung của bài học: học sinh tự tìm hiểu sự kiện và trả lời theo từng phần, mục của bài theo cá nhân và nhóm.

GV hướng dẫn học sinh lập kế hoạch giải quyết: phân công nhiệm vụ từng bạn trong nhóm.

GV hướng dẫn cho học sinh thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề đã nêu ra để làm sáng tỏ nội các nội dung bài học: Vì sao, Nhật Bản lại phải tiến hành cải cách dân chủ sau chiến tranh, nội dung và ý nghĩa của những cải cách dân chủ đó. Thành tựu phát triển kinh tế của Nhật Bản từ năm 1950 đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX, nguyên nhân phát triển cũng như những hạn chế. Thành tựu về khoa học kĩ thuật của Nhật Bản sau chiến tranh, chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Quan hệ Nhật Bản và Việt Nam.

Bước 3: Kết luận: Từng cá nhân học sinh, hoặc trưởng nhóm học sinh trình bày phần tìm hiểu của mình hoặc nhóm mình.

Các cá nhân hoặc nhóm khác bổ sung, đánh giá. GV kết luận và đánh giá học sinh, cho điểm.

Đề xuất vấn đề: Qua bài hôm nay, em thấy Việt Nam ta sẽ học được bài học gì từ sự phát triển của Nhật Bản?

Với cách làm như vậy, kết hợp với các phương pháp khác và CNTT trong giờ học sẽ làm cho giờ học hiệu quả hơn nhiều, học sinh được làm việc nhiều và qua giờ học thấy mình tự chủ, tự tin, hiểu biết.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top