2 giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Anh vùng khó

Hoài An

Điều hành viên
Thành viên BQT
#1
Thứ nhất: Thông qua sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học


Với việc chỉ đạo các trường tích cực sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đã giúp cho giáo viên củng cố bổ sung thêm cách thức, phương pháp tổ chức hiệu quả tiết học, từ đó phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học sinh, nâng cao chất lượng giờ học.

Giáo viên có thể cụ thể hóa thành các bước sau: Giáo viên hoặc nhóm giáo viên chủ động lựa chọn 1 tiết dạy tiếng Anh trên cơ sở thực tế tài liệu hướng dẫn học và trình độ học sinh trong lớp để có điều chỉnh bổ sung phù hợp.
Từ việc thiết kế tài liệu theo năng lực học sinh, giáo viên Tiếng Anh thực hiện dạy minh họa. Sau đó, giáo viên trong tổ, nhóm chuyên môn hoặc toàn trường dự giờ để quan sát việc học của học sinh. Đây là một công đoạn rất quan trọng trong tổ chức sinh hoạt chuyên môn.

Quan sát thế nào cho hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, thái độ và năng lực của người quan sát. Nếu người quan sát có sự quan sát tinh tế và phán đoán đúng các tình huống sư phạm trong tiết dạy thì sẽ có giúp ích rất nhiều cho người dạy cũng như những người cùng quan sát.

Để làm được điều đó, phải xây dựng được văn hoá trong dự giờ. Tất cả cán bộ, giáo viên đều biết cách quan sát có chủ định (quan sát đến từng học sinh hoặc nhóm học sinh để xem học sinh hoặc nhóm học sinh đó học thế nào, hoạt động nào hiệu quả, chỗ nào chưa hiệu quả, nguyên nhân tại sao…) và trong quan sát hoạt động học của học sinh đảm bảo quan sát rất chi tiết, ghi chép (có thể chụp hình) nhưng tuyệt đối không can thiệp vào việc học của học sinh, không làm ảnh hưởng đến giáo viên và học sinh.

Trao đổi sau tiết dạy: Không khí của buổi trao đổi rất quan trọng: Việc trao đổi, chia sẻ sau tiết dạy phải cùng hướng đến mục tiêu cho cả người thiết kế và người dự giờ: Nội dung điều chỉnh đã thực sự hiệu quả chưa? Vì sao? Có thể thay đổi nội dung nào, hoạt động nào? Vì sao? Học sinh có được học thực sự không, có được tương tác với tài liệu, với bạn, với thầy cô không?…

Đây là yếu tố rất quan trọng trong sinh hoạt chuyên môn Tiếng Anh, đòi hỏi có được mối quan hệ giao tiếp tốt, biết lắng nghe tích cực, biết làm việc cùng nhau.

Sau tiết học đó, mỗi người đều phải rút ra cho mình một bài học về điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học và tổ chức dạy học không phải chỉ với tiết học đó, môn học đó mà là sự vận dụng linh hoạt với các tiết học khác, môn học khác.

Thứ hai: Tăng cường đảm bảo liên thông, liên môn trong từng lớp học

Từ việc nhân rộng các lớp điển hình cấp tiểu học, phòng GD&ĐT đã xây dựng các lớp điển hình ở cấp mầm non và THCS thông qua việc tổ chức các chuyên đề để giáo viên cùng xây dựng khung kiến thức đồng tâm và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.

Mỗi cấp học thành lập một tổ cốt cán và xây dựng các câu lạc bộ, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để bàn các giải pháp nâng cao chất lượng.

Chỉ đạo các trường làm tốt công tác phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn để hiểu rõ cấu trúc nội dung chương trình môn học, lớp học, cấp học để tích hợp kiến thức nhằm phát huy năng lực học tập cho học sinh như: Giải toán bằng Tiếng Anh qua mạng; vẽ tranh và thuyết trình bằng Tiếng Anh; tích hợp qua các hoạt động trong tiết học và tích hợp qua bài học; đặc biệt là trong các giờ học ngoại khóa. Các bài tập bổ trợ nâng cao đều tích hợp môn Tiếng Anh để học sinh có cơ hội trao đổi, chia sẻ và đảm bảo sự tương tác đa chiều.

Việc đảm bảo tính liên thông, liên môn trong từng lớp học, các lớp học đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các giáo viên bộ môn trong trường, giữa giáo viên Tiếng Anh ở các cấp học. Giáo viên và học sinh (đặc biệt là học sinh) sử dụng tiếng Anh như là công cụ để tìm kiếm thông tin, tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy và giải quyết các môn học khác.

Số lượng và chất lượng học sinh tham gia thi giao lưu tài năng Tiếng Anh (OTE) , cuộc thi Tiếng Anh qua mạng, giải toán bằng Tiếng Anh qua mạng các cấp tăng cao so với năm học trước.
Nguồn: giaoducthoidai.vn
 

Bình luận bằng Facebook

Top